Dời đại học lấy đất xây chung cư, Hà Nội nghẹt thở cao ốc
VNBTIMESĐến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng tổ hợp dự án nhà cao tầng
Thực tế tại Hà Nội, đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời. Lẽ ra, đất đó để dành phát triển các công trình công cộng theo Luật Thủ đô.
Nhà máy di dời, cao ốc mọc lên
Báo cáo gửi Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô, Chính phủ đánh giá qua 6 năm, Hà Nội dần phát huy được vị thế, vai trò, tạo động lực phát triển, sức mạnh lan tỏa, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, hỗ trợ các địa phương trong Vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển; ngày càng khang trang, thân thiện hơn.
Tuy nhiên, Chính phủ nhận xét:, ở những khu vực nội đô, nhiều dự án chung cư cao tầng vẫn tiếp tục được xây dựng; tạo thêm áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu vực nội thành Hà Nội.
Thống kê sơ bộ tại một số quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng cho thấy, nhiều dự án nhà cao tầng đã và đang được triển khai xây dựng như: Tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp ở Liễu Giai, Đội Cấn; Láng Hạ; Tòa nhà Hồng Công Tower – Đê La Thành; Tổ hợp văn phòng cho thuê, căn hộ tại Vietronic – Nguyễn Chí Thanh; các dự án xây dựng trên nền đất của các công ty cổ phần đầu tư xây dựng số 7, Công ty CP Bánh kẹo Hải Châu,…
Chính phủ cũng phân tích về công tác di dời và quản lý quỹ đất sau khi di dời đối với một số cơ quan, tổ chức chưa được thực hiện nghiêm theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tiến độ di dời thực hiện rất chậm; quỹ đất sau khi di dời chưa được bàn giao lại cho Thành phố để ưu tiên xây dựng, phát triển các công trình công cộng theo quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Thủ đô. Thực tế đã có nhiều dự án nhà thương mại, chung cư cao tầng được xây dựng trên nền đất sau khi di dời.
Ví dụ như: trên đường Nguyễn Trãi, đường Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân trước đây là nơi đặt trụ sở, nhà xưởng của các ngành công nghiệp như Cao su sao vàng, Xà phòng, Thuốc lá Thăng Long, Dệt Mùa đông, Xe đạp thống nhất, Xe buýt Hà Nội,… nay là những dự án Tổ hợp nhà liền kề, Trung tâm thương mại và căn hộ thương mại với quy mô, mật độ rất lớn.
Ngoài ra, thành phố Hà Nội cũng đã xem xét, giới thiệu địa điểm, quỹ đất để đầu tư xây dựng các bệnh viện tuyến Trung ương, cơ sở giáo dục, trụ sở làm việc của 9 bộ, ngành Trung ương.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đại học Y tế công cộng là đơn vị duy nhất thực hiện di dời, song khu đất sau khi di dời lại được chuyển đổi xây dựng Tổ hợp dự án nhà cao tầng; đối với bệnh viện tuyến Trung ương, hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành; trong số 9 bộ, ngành thì 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở làm việc cũ, 2 cơ quan còn lại được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng,…
Thế giới dành 25% đất giao thông, Hà Nội mới có 8,65%
Đối với phát triển giao thông, Chính phủ cho rằng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội nói chung còn quá thấp, tính đến năm 2018, tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông mới chỉ đạt 8,65% diện tích đất đô thị (thế giới khoảng 25%).
Theo thống kê mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng gần 200.000 người, trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, quỹ đất dành cho giao thông tăng chưa đến 1%/năm. Trong khi đó, việc mở rộng các tuyến giao thông khu vực nội đô là rất khó khăn, cộng thêm chi phí đền bù giải tỏa để mở rộng các tuyến đường rất cao, gây sức ép lên ngân sách Thành phố.
Ngoài ra, theo đánh giá của Chính phủ, việc giảm tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách TP. Hà Nội sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách làm ảnh hưởng đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển kinh tế – xã hội của thành phố (giai đoạn 2009-2010 là 45%, giai đoạn 2011-2016 là 42%, giai đoạn 2017-2020 giảm còn 35%).
Về quản lý dân cư, Chính phủ cho rằng: Tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh cả ở nội thành và ngoại thành, nhất là ở nội thành, khu vực nội đô lịch sử (chưa kiểm soát được mức độ gia tăng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô); mật độ dân cư phân bố không đều, có sự chênh lệch đáng kể giữa ngoại thành và nội thành.
Ở các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Cầu Giấy, có mật độ dân số cao nhất, trung bình đều trên 30.500 người/km2. “Việc này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô”, báo cáo đánh giá.
Theo thống kê của TP. Hà Nội (tính đến 9/2017), toàn thành phố có 1.913.975 hộ gia đình, với gần 7 triệu nhân khẩu thường trú. Mật độ dân số trung bình khoảng 2.213 người/km2, phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành.
Ví dụ: Quận Đống Đa 32.213 người/km2, gấp 45 lần so với huyện Ba Vì là 721 người/km2.Theo Báo cáo số 135/BC-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ: năm 2013, tổng số dân số của 4 quận nội đô lịch sử (gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là 966.806 người; năm 2014 là 1,09 triệu người (tỷ lệ tăng dân số 113%) và đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người (tỷ lệ tăng dân số 117,3%).
Tin mới hơn ...
- Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 21/08/2024
- Con đường vươn ra thế giới của sơmi rơmoóc Thaco Trailers 21/08/2024
- Kỷ luật và dài hạn – chiến lược ‘vượt đáy’ cho nhà đầu tư cá nhân 21/08/2024
- Liên doanh với Mercedes-Benz, doanh nghiệp ở TP.HCM góp 30% vốn lời lãi ra sao? 20/08/2024
- Chứng khoán quay trở lại mục tiêu chinh phục mốc 1.300 điểm 19/08/2024
There are no comments yet