Bình Thuận đầu tư gần 1.600 tỷ đồng làm hai tuyến đường ven biển
VNBTIMESHĐND tỉnh Bình Thuận khóa X vừa có Nghị quyết gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ KH&ĐT, Tài chính, Giao thông Vận tải (GTVT) về chủ trương đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện, và làm mới trục đường ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà.
Đường ĐT.719 có tổng chiều dài khoảng 32,5 km; chiều rộng nền đường 9 m, chiều rộng mặt đường 8 m, chiều rộng lề đường mỗi bên 0,5 m. Riêng các đoạn tuyến đi qua trung tâm xã Tân Thành – huyện Hàm Thuận Nam, xã Tân Tiến, Tân Bình – thị xã La Gi có chiều rộng nền đường 15 m, chiều rộng mặt đường 12 m; đoạn tuyến trùng với đường Nguyễn Công Trứ có chiều rộng nền đường 20 m, chiều rộng mặt đường 12 m.
Trên tuyến sẽ xây mới một cây cầu tại Km 50+284,76 có chiều dài 12,8 m, chiều rộng cầu 9,0 m. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 600 tỷ đồng. Nguồn vốn đề nghị thẩm định: Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và ngân sách tỉnh.
Còn đường ĐT.719B có chiều dài khoảng 25 km. Chiều rộng nền đường 28 m, chiều rộng mặt đường 16 m, dải phân cách giữa 11 m, chiều rộng lề đất mỗi bên 0,5 m. Kết cấu mặt đường: 2 lớp bê tông nhựa chặt trên lớp móng cấp phối đá dăm. Dự kiến tổng mức đầu tư dự án gần 1.000 tỷ đồng. Dự kiến cả hai tuyến đường đến năm 2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng.
Nghị quyết này cũng giao UBND tỉnh Bình Thuận hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án theo quy định.
Theo HĐND tỉnh Bình Thuận, hai tuyến đường này với mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Ngoài ra cả hai tuyến đường còn làm nhiệm vụ tuyến tránh cho quốc lộ 1 khi xảy ra ách tắc giao thông và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Đối với khu vực từng được mệnh danh là “thiên đường nghỉ dưỡng” Kê Gà, Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho biết trước năm 2007 nơi đây chỉ có quy hoạch tuyến điểm du lịch của ngành du lịch, chưa có quy hoạch xây dựng chung.
Còn giai đoạn từ năm 2007 đến năm 2017, dù có quy hoạch xây dựng chung nhưng lại được định hướng nhằm phục vụ công nghiệp bau-xit. Thế nên toàn bộ khu vực Kê Gà – Hòn Lan chủ yếu được bố trí các hạng mục: cảng chuyên dùng, cảng tổng hợp, khu công nghiệp phụ trợ, kho bãi, hệ thống đường sắt, tổng ga đường sắt…do Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư.
Theo Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận, kiểu quy hoạch nêu trên hoàn toàn không thích hợp cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch cao cấp, vì vậy buộc chủ đầu tư lập lại thiết kế gần như mới toàn bộ cho dự án do phải thay đổi đối tượng khách hàng mục tiêu, rồi điều chỉnh chiến lược kinh doanh, thêm nữa là thỏa thuận lại từ đầu với cổ đông và các đối tác về việc huy động vốn đầu tư…
Sau khi dự án cảng Kê Gà bị bãi bỏ (2013), thời gian 3 năm trở lại đây đã có những tín hiệu hồi sinh tích cực. Nhiều nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đã trở lại vùng biển Kê Gà – Hòn Lan, nhiều khu du lịch, resort đang xây dựng. Ngoài 2 tuyến đường ven biển nói trên sắp được đầu tư nâng cấp, mở rộng giúp kết nối thông suốt từ Phan Thiết đến La Gi, từ đó nối thẳng đến khu Long Hải (Bà Rịa – Vũng Tàu), nhiều nhà đầu tư đang sốt ruột chờ cơ hội mới khi có sân bay Phan Thiết và đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch tỉnh Bình Thuận, khu vực Hàm Thuận Nam có lợi thế riêng và độc đáo thu hút đầu tư du lịch các nơi khác không có được. Trước hết là bãi biển dài vẫn giữ vẻ đẹp hoang sơ, yên bình, sạch và an toàn. Bên cạnh đó, nơi đây còn sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh lịch sử như, núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ và tượng Phật nằm có chiều dài đến 49m, khu nghỉ dưỡng và chữa bệnh tại suối nước nóng Bưng Thị, bãi Đá nhảy, dinh Thầy Thím, ngọn hải đăng Kê Gà….
“Hàm Thuận Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng nhờ quỹ đất còn nhiều, giá đất còn mềm, quy hoạch bài bản, đồng bộ. Đặc biệt, động lực quan trọng tạo thuận lợi và hấp dẫn nhà đầu tư là tỉnh đang triển khai đầu tư mới đường trục ven biển. Mục tiêu là kích cầu lượng khách trong nước và quốc tế, gia tăng chi tiêu, thích thú lưu trú lâu hơn và quay trở lại nhiều lần”, ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hàm Thuận Nam, trong 1 năm trở lại đây, khu vực huyện Hàm Thuận Nam có khoảng 10 dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn triển khai. Cũng theo vị này, có lẽ nguyên nhân chính tạo nên cơn sốt đất đang lan rộng trên toàn địa bàn tỉnh chính là sự xuất hiện đồng thời nhiều đại gia BĐS với những dự án quy mô khá lớn như Novaland, Vingroup, Hưng Thịnh Corp., FLC, Thắng Lợi và các tập đoàn đầu tư đến từ Dubai mới đây với một dự án tổ hợp nghỉ dưỡng hơn 15.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết kể từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2017 đến nay, Bình Thuận có thêm 264 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký 53.031 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã nộp thuế vào ngân sách nhà nước gần 759 tỷ đồng. Trong đó cũng có nhiều nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ trong và ngoài nước đã chọn Bình Thuận là điểm đến để đầu tư.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2019 vừa qua với mục tiêu mời gọi trực tiếp các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược, có uy tín và năng lực cao đầu tư vào các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển đô thị trong tỉnh, Chủ tịch UBND Bình Thuận đã trao giấy chứng nhận đầu tư, cho những dự án chiến lược, quy mô lớn, lâu dài.
Điển hình như Tổ hợp du lịch – nghỉ dưỡng – giải trí & thể thao biển tiêu chuẩn quốc tế Thanh Long Bay tại khu vực biển Kê Gà, Tân Thành, Hàm Thuận Nam. Dự án mang tầm vóc quốc tế, với quy mô diện tích lên đến 90ha được phát triển bởi tập đoàn Nam Group và DKRA Vietnam là tổng đại lý tiếp thị & phân phối.
Dự án bao gồm 12 phân khu chính được quy hoạch đồng bộ, bài bản như tổ hợp nhà phố thương mại, tổ hợp căn hộ biển, khu shop-tel, resort 5 sao, resort sinh thái rừng dương, trung tâm thể thao biển, cầu ngọc trai, cảng du thuyền quốc tế… Thanh Long Bay đang được đầu tư và phát triển mạnh mẽ, từng bước chuyển mình trở thành trung tâm thể thao biển lớn nhất Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cùng với đó, dự án Mũi Né Summerland của Tập đoàn Hưng Lộc Phát, với quy mô 31,5 ha cũng đã nhận được giấy chứng nhận đầu tư. UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã chấp thuận cho Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Tân Á và Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi thực hiện dự án khu nghỉ dưỡng với quy mô 227,5ha. Dự án Hamubay Phan Thiết có vốn đầu tư gần 1 tỷ USD cũng vừa được nhận giấy chứng nhận đầu tư, với tổng diện tích gần 130ha.
Hay như dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam đăng ký đầu tư tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, có vốn đầu tư hơn 13.153 tỷ đồng. Tập đoàn Novaland cũng được chấp thuận đầu tư Tổ hợp Novaworld Phan Thiết, dự án NovaHills…
Sự đa dạng sắc màu trên trong đầu tư hàng loạt dự án nghỉ dưỡng ven biển đã nói lên nhiều điều. Trước hết, các chủ đầu tư du lịch đã phát hiện mặt đang thiếu của du lịch Bình Thuận khi một quãng thời gian dài đạt cái danh thủ đô resort, và ngay cái tên đã nhấn mạnh loại hình du lịch chỉ là nghỉ dưỡng. Vì thế, ngoài nghỉ ngơi, thư giãn tắm biển, dạo phố, du khách không biết làm gì nữa để tiêu hết tiền, kết quả ngày lưu trú của du khách ở tỉnh đang sụt giảm dần theo từng năm.
Được biết, tỉnh Bình Thuận đã gặp Công ty McKinsey & Company, công ty tư vấn quản lý chiến lược lớn nhất thế giới, đã và đang làm việc với hơn 80% trong top 1.000 doanh nghiệp hàng đầu và chính quyền của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, để được tư vấn. Cụ thể hơn là hỗ trợ tỉnh trên hành trình trở thành một điểm đến du lịch đẳng cấp thế giới với mục tiêu nâng tổng số du khách đến tỉnh lên 23 triệu khách mỗi năm, và bổ sung thêm 200.000 cơ hội việc làm.
Theo tư vấn của công ty này, dựa trên phân tích các thế mạnh của tỉnh cũng như nhu cầu tiêu dùng tại Châu Á và trên toàn thế giới, công ty McKinsey & Company Việt Nam đưa ra 9 sáng kiến sản phẩm. Đó là một bến du thuyền nên thơ, khu phố bar sôi động, trung tâm mua sắm ngoài trời, du lịch sinh thái thám hiểm đồi cát, khu phức hợp thể thao đa năng và một trung tâm hội nghị & triển lãm.
UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng từng sáng kiến này nếu thực hiện đơn lẻ sẽ không thể phát huy tối đa hiệu quả như khi chúng kết hợp lại với nhau. Triển khai đúng đắn danh mục sáng kiến này sẽ giúp tỉnh tạo ra được một hệ sinh thái du lịch nhằm thu hút du khách và thuyết phục họ lưu lại tỉnh lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.
Qua tư vấn trên cho thấy, du lịch Bình Thuận cần xây dựng hành trình đa dạng hóa các loại hình du lịch để thu hút du khách. Vì thế, chính những dự án đa dạng loại hình, ngoài nghỉ dưỡng sẽ khắc phục, sẽ bù đắp và hơn thế, còn làm đa sắc màu cho du lịch Bình Thuận.
Theo Bùi Hải/Nhịp sống kinh tế
Tin mới hơn ...
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm cung đoạn Nam Định 1 – Phố Nối đóng điện thành công 20/08/2024
- Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa vừa được đóng điện 19/08/2024
- Bình Dương lấy nông nghiệp công nghệ cao làm chiến lược hút vốn đầu tư 13/08/2024
- Đèo Lương Sơn thách thức runner VM Nha Trang thế nào? 06/08/2024
There are no comments yet