Giải pháp và chính sách liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch



VNBTIMESĐó là nội dung của hội thảo được Tổng cục Du lịch (TCDL) tổ chức vào sáng 9/10/2019 tại Hà Nội, nhằm tham vấn các ý kiến về các giải pháp cho Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch”.

Thực hiện Nghị quyết số 103/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã giao TCDL xây dựng Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch” nhằm làm rõ vai trò và những lĩnh vực ngành nghề là sản phẩm đầu vào hình thành sản phẩm du lịch và thực tế liên kết hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp liên ngành liên kết các yếu tố này trong chuỗi giá trị hình thành sản phẩm du lịch, một mặt giúp đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hiệu quả hóa sản phẩm du lịch, mặt khác thực hiện đúng vai trò của một ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò thúc đẩy, tạo động lực phát triển các ngành kinh tế khác như quan điểm của Nghị quyết 08 đặt ra.

Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương nhấn mạnh: Du lịch Việt Nam thời gian qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Năm 2018 đã thu hút được 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng trưởng gần 2 lần trong vòng 3 năm. Trong năm 2019, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế tiếp tục duy trì ở mức trên 10%. Trên thực tế để có sự phát triển này, sản phẩm du lịch hướng tới du khách sử dụng nhiều các yếu tố đầu vào của các ngành, lĩnh vực khác như: nông nghiệp, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, y tế, bảo hiểm… để đáp ứng nhu cầu ăn ở, đi lại, tham quan và các dịch vụ hỗ trợ khác của khách du lịch.

Theo TS. Đỗ Cẩm Thơ – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính (Tổng cục Du lịch), với bản chất là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao, sản phẩm du lịch được hình thành dựa vào nhiều yếu tố tổng hợp, trong đó phần lớn từ sản phẩm, dịch vụ của ngành, lĩnh vực khác nhau như cung ứng thực phẩm, cung ứng điện nước, hạ tầng…, trong đó yếu tố quan trọng nhất tạo nên sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch là tài nguyên lõi hoặc vật thu hút.

Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới ngày càng khai thác các giá trị từ các ngành nghề khác nhau để phát triển du lịch. Các yếu tố đầu vào của các ngành, lĩnh vực tham gia chính hình thành sản phẩm du lịch trong 3 hình thức, gồm: tham gia vào các khâu phục vụ nhu cầu thiết yếu như ăn uống, vận chuyển, lưu trú, mua sắm; tham gia vào các khâu phục vụ một hợp phần của nhu cầu tìm hiểu, tham quan, khám phá với các hoạt động trải nghiệm; tham gia vào phục vụ nhu cầu chính về tìm hiểu, tham quan, khám phá. Bên cạnh các sản phẩm đầu vào của các ngành, lĩnh vực tham gia trực tiếp hình thành sản phẩm du lịch thì còn nhiều yếu tố của các ngành, lĩnh vực khác mang tính gián tiếp nhưng cũng phục vụ cho khách du lịch sử dụng như: ngành xây dựng, nội thất, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ cung cấp các phòng nghỉ khách sạn, khu nghỉ dưỡng; ngành cấp thoát nước, xử lý chất thải…

Để liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch, ngành Du lịch cần phối hợp với các ngành, lĩnh vực liên quan tăng cường quản lý chất lượng các yếu tố của ngành, lĩnh vực phục vụ nhu cầu thiết yếu du lịch (sản phẩm hàng hóa tiêu dùng; thực phẩm; hạ tầng phân phối hàng hóa, thực phẩm; dịch vụ y tế, bảo hiểm, viễn thông; dịch vụ vận chuyển). Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải thiện và liên kết các yếu tố hình thành trải nghiệm du lịch (tham quan chợ nổi, chợ đêm, trung tâm thương mại, cửa hàng mua sắm; tham quan trung tâm giải trí, công viên chuyên đề, bảo tàng, di tích, di sản, công trình kiến trúc; xem trình diễn nghệ thuật, âm nhạc; tìn hiểu văn hóa, lối sống; sử dụng thiết bị công nghệ tăng cường trải nghiệm như thuyết minh tự động, thiết bị tra cứu, thiết bị công nghệ thực tế ảo…; mua sản phẩm lưu niệm du lịch…); đồng thời, tăng cường các sản phẩm sáng tạo từ các yếu tố của ngành, lĩnh vực tham gia trong phần chính của sản phẩm du lịch (du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, du lịch mua sắm, du lịch y tế, du lịch thể thao, du lịch tham quan nhà máy, du lịch công nghệ, du lịch giáo dục)…

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia trong các lĩnh vực cũng như các doanh nghiệp… đã tham gia ý kiến với nhiều tham luận như: Mối quan hệ cộng sinh giữa thể thao và du lịch; Thực trạng liên kết lĩnh vực công thương hình thành sản phẩm du lịch – giải pháp và đề xuất chính sách; Sự tham gia của ngành nông nghiệp và các giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tính hiệu quả khi tham gia vào chuỗi giá trị du lịch; Các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật tham gia hình thành sản phẩm du lịch; Vai trò của ngành Giao thông vận tải và thực trạng các yếu tố tham gia hình thành sản phẩm du lịch; Sự phát triển của du lịch y tế ở Việt Nam – Sản phẩm du lịch nha khoa…

Một số ý kiến khác tập trung bàn các giải pháp về marketing thị trường, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp và doanh nghiệp với khách hàng; tập trung nhấn mạnh sản phẩm du lịch mang hàm lượng sáng tạo cao theo xu hướng thời đại 4.0, theo đó các ngành, lĩnh vực cần đưa ra những gì tinh tuý nhất, nhiều chất xám nhất để hình thành sản phẩm du lịch; nâng cao vai trò và tạo động lực cho đội ngũ những người kết nối hay chính là những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cho ngành Du lịch…

Kết luận hội thảo, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương khẳng định: Việc kết nối giữa ngành Du lịch với các ngành khác để tạo ra các sản phẩm du lịch là rất cần thiết. Ý nghĩa của việc xây dựng Đề án “Liên kết chuỗi giá trị đầu vào của các ngành hình thành sản phẩm du lịch” là nhằm đưa ra các giải pháp để thúc đẩy mối quan hệ giữa ngành Du lịch và các ngành khác trở nên chặt chẽ hơn, thúc đẩy tất cả các ngành cùng phát triển. Theo đó, những giải pháp cần có tính khả thi, phân trách nhiệm triển khai cụ thể cho từng bộ, ngành, phù hợp và đồng bộ với các giải pháp đã đề ra trong các Đề án khác. Ngoài ra, với vai trò là các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành cần lồng ghép các ý kiến góp ý về các giải pháp vào các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành mình, có các chính sách cụ thể như chính sách visa…; với vai trò phối hợp công – tư giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích động viên doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp giữa du lịch và các ngành nghề khác… Qua hội thảo này, TCDL sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp về các giải pháp nhằm hoàn thiện Đề án sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Hạ Tình/tapchidulich

There are no comments yet

Tin mới hơn ...