“Ông trùm” ngành hóa chất lao đao vì thua lỗ
VNBTIMESVinachem thua lỗ 279 tỷ đồng, trích lập dự phòng gần 5.600 tỷ đồng cho “bộ tứ thua lỗ”.
Kết thúc nửa đầu năm 2019, Công ty mẹ Vinachem lỗ 279 tỷ đồng, khác xa mức lãi 70,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, “ông trùm” ngành hóa chất này đang phải trích lập dự phòng tới 5.585 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào “bộ tứ thua lỗ” Đạm Hà Bắc – Đạm Ninh Bình – DAP số 2 Vinachem – DAP Vinachem.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ giữa niên độ năm 2019 vừa được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) công bố, nửa đầu năm nay, Công ty mẹ Vinachem ghi nhận doanh thu thuần 1,5 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp âm (-) 259 triệu đồng.
Doanh thu giảm 40%
Trong kỳ, Công ty mẹ Vinachem cũng ghi nhận 446 tỷ đồng doanh thu tài chính, giảm 22% so với kỳ trước. Phần lớn doanh thu tài chính của Vinachem đến từ cổ tức và lợi nhuận được chia với 249 tỷ đồng, kế đó là lãi bán các khoản đầu tư 158 tỷ đồng và lãi tiền gửi, tiền cho vay với 38,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí tài chính nửa đầu năm nay của Công ty mẹ – Vinachem lên đến 285 tỷ đồng, tăng tới 45% so với cùng kỳ năm ngoái. Toàn bộ lượng chi phí tài chính này đến từ việc trích lập giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư. Ngoài ra, tập đoàn này cũng ghi nhận 441 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, tăng 44%; trong đó chủ yếu là chi phí dự phòng (402 tỷ đồng). Kết thúc nửa đầu năm 2019, Công ty mẹ Vinachem lỗ 279 tỷ đồng, khác xa mức lãi 70,3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến hết ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Công ty mẹ Vinachem ở mức 20.338 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,1% so với hồi đầu năm. Phần lớn tài sản tập trung ở các khoản phải thu ngắn hạn với 7.735 tỷ đồng và các khoản đầu tư tài chính dài hạn với 7.229 tỷ đồng.
Đi sâu hơn, Công ty mẹ Vinachem hiện phải trích lập dự phòng tới 5.604 tỷ đồng, chủ yếu cho các khoản đầu tư dài hạn vào các công ty con. Riêng “bộ tứ” Đạm Hà Bắc – Đạm Ninh Bình – DAP số 2 Vinachem – DAP Vinachem đã phải trích lập dự phòng tổng cộng gần 5.585 tỷ đồng; trong đó, Đạm Hà Bắc phải trích lập 2.330 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình trích lập 2.313 tỷ đồng, DAP số 2 Vinachem trích lập 802 tỷ đồng và DAP Vinachem trích lập 138 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của Công ty mẹ Vinachem đến hết ngày 30/6/2019 ở mức 13.436 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với đầu năm. Nợ phải trả ở mức 3.902 tỷ đồng, trong đó, tổng nợ vay là 5.642 tỷ đồng. Đáng chú ý, theo Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, một số khoản vay ngân hàng thương mại của tập đoàn này đã quá hạn thanh toán. Trong đó, số dư nợ gốc quá hạn là 668,9 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng là 336 tỷ đồng. Như vậy, tổng gốc và lãi quá hạn, phạt chậm nộp là trên 1.000 tỷ đồng.
Các khoản vay này được Vinachem cho Công ty Đạm Ninh Bình vay lại nhưng Đạm Ninh Bình không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ cho Vinachem. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là “Nhà máy sản xuất Phân đạm từ than cám công suất 1760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm)” đã tạm bàn giao cho Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành.
Lại xin “khoanh vùng” khoản vay
Lý giải cho những khó khăn gặp phải, Vinachem giãi bày, thời gian qua, xung đột thương mại Mỹ – Trung leo thang, Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ xuống mức kỷ lục. Điều này thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc, cạnh tranh mạnh với các sản phẩm của các đơn vị thuộc Tập đoàn tại cả thị trường trong nước và quốc tế như sản phẩm cao su, hóa chất cơ bản, các sản phẩm phân bón như DAP, NPK… Bên cạnh đó, tình trạng gian lận thương mại đối với hàng nhập khẩu vẫn diễn biến phức tạp, làm giảm sản lượng tiêu thụ phân bón, pin ắc quy, sản phẩm cao su… của Vinachem.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án sản xuất phân bón thua lỗ chất chồng, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định các giải pháp đối với khoản vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho các Dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai.
Cụ thể, kéo dài thời hạn vay của các Hợp đồng tín dụng thành 20 năm; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; không tính lãi quá hạn; cân đối trả nợ gốc, lãi theo dòng tiền thực tế và theo tỷ lệ số dư nợ vốn trung, dài hạn của các ngân hàng tài trợ vốn cho dự án; lãi vay chưa trả được cân đối trả nợ vào các năm sau. Ngoài ra, điều chỉnh lãi suất tiền vay trong 5 năm từ 2019 đến 2023 ở mức 3%/năm. Từ năm 2024 trở đi, các khoản vay có lãi suất trên 8,55%/năm điều chỉnh về mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước (tại thời điểm này là 8,55%/năm) và nợ lãi chưa trả được trả dần trong các năm tiếp theo.
Với khoản vay các ngân hàng thương mại, Vinachem đề nghị các ngân hàng Vietinbank, BIDV, Vietcombank cho phép các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy Đạm Hà Bắc và DAP số 2 Lào Cai được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục xem xét, giải quyết cho các đơn vị được hưởng chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất tiền vay về mức lãi suất ưu đãi nhất, lãi suất thấp nhất.
Tin mới hơn ...
- Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 21/08/2024
- Con đường vươn ra thế giới của sơmi rơmoóc Thaco Trailers 21/08/2024
- Kỷ luật và dài hạn – chiến lược ‘vượt đáy’ cho nhà đầu tư cá nhân 21/08/2024
- Liên doanh với Mercedes-Benz, doanh nghiệp ở TP.HCM góp 30% vốn lời lãi ra sao? 20/08/2024
- Chứng khoán quay trở lại mục tiêu chinh phục mốc 1.300 điểm 19/08/2024
There are no comments yet