Đô thị bền vững: Cần nhiều công trình xanh



VNBTIMESĐể tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội, cũng cần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò của công trình xanh, kiến trúc xanh, vật liệu xanh, công nghệ - giải pháp xanh cùng các hệ thống chứng nhận xanh…

EcoHome 3 là dự án nhà ở xã hội đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng chỉ xanh EDGE

Tại Việt Nam, tốc độ đô thị hóa đang diễn ra khá nhanh, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, nhưng môi trường sống được tạo ra dường như  lại  không tương xứng, thiếu nhiều không gian xanh. Hiện tượng ngập lụt diễn ra ở nhiều thành phố. Tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí, cộng với gia tăng dân số, nguồn nguyên liệu đang dần cạn kiệt, bên cạnh những chung cư cũ đã xuống cấp khiến người dân đang phải đối mặt với chất lượng sống không được đảm bảo, dẫn tới sự lãng phí tài nguyên đất.

Trong bối cảnh đó, phát triển các đô thị nén, mà nhà ở cao tầng là thành phần quan trọng sẽ là tất yếu, bởi loại hình này giúp tiết kiệm được tài nguyên đất, nước, năng lượng, vật liệu xây dựng… tạo thêm quỹ nhà ở, khu vực sinh sống cho người dân,  PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên – Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và Phát triển đô thị Xanh khẳng định.

Tiếc rằng, nhà ở cao tầng xanh lại chưa trở thành xu hướng chủ đạo trong kiến trúc tại Việt Nam. Đầu tiên chính là chi phí thiết kế và xây dựng các công trình xanh thường cao hơn 30% so với chi phí thiết kế và xây dựng công trình thông thường. Sự tính toán kỹ lưỡng, sáng tạo của kiến trúc sư và phải đầu tư thêm một số hạng mục để công trình đạt  chuẩn xanh là lý do tiếp theo đẩy chi phí xây dựng tăng. Các chi phí này sẽ được “hoàn” sau khi công trình xanh đi vào hoạt động từ việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, song vẫn là nguyên nhân chính khiến nhiều chủ đầu tư quan ngại.

Một nguyên nhân khác không kém quan trọng, do quy hoạch, hầu hết nhà phố ở các đô thị của Việt Nam đều quay mặt bám theo đường bất kể đó là nắng hướng Tây gay gắt. Trong bối cảnh đó, tính toán để nhà đón được hướng gió mát là không đơn giản. Trong  khi các dự án có không gian thuận tiện để xây dựng các công trình kiến trúc xanh, thì hầu hết các chủ đầu tư không mặn mà. Theo thống kê của IFC, mới chỉ có 3 trong Top 10 nhà đầu tư bất động sản lớn tại Việt Nam phát triển dự án, công trình theo tiêu chí công trình xanh.

Ông Trịnh Tùng Bách – Giám đốc R&D Capital House nhìn nhận, doanh nghiệp BĐS đang gặp nhiều thách thức khi xây dựng các công trình xanh. Để đầu tư vào công trình xanh thì chi phí sẽ bị đội lên từ 1% – 1,5%. Tuy nhiên, để giải quyết bài toán lợi nhuận, Capital House đánh đổi bằng việc bán hàng nhanh hơn để thu hồi vốn nhanh hơn. Đó còn là chi phí vận hành giảm cho người dân, đơn vị quản lý toà nhà và chủ đầu tư; khách hàng hài lòng vì tiết kiệm năng lượng, chất lượng sống tăng, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.

Với người tiêu dùng, nếu lựa chọn những công trình xanh, tiết kiệm năng lượng, căn hộ đó sẽ nhận được gió và ánh sáng tự nhiên tất yếu sẽ bớt phải dùng quạt, máy lạnh và đèn chiếu sáng. Chưa hết, thông gió tự nhiên có lợi cho sức khỏe con người do không khí được trao đổi thường xuyên, dẫn đến tiết kiệm điện, nước hàng tháng; khách hàng hài lòng; căn hộ giữ giá trị và dễ chuyển nhượng… Vì vậy, đầu tư nhà ở cao tầng xanh khiến cả chủ đầu tư, người dân và xã hội cùng được hưởng lợi.

Đầu tư vào công trình xanh không chỉ ở các dự án nhà ở thương mại hay cao cấp mà Capital House còn áp dụng ở cả các dự án nhà ở xã hội, cụ thể tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 3 được thiết kế xẻ khe, đón ánh sáng và gió tự nhiên. Dự án sử dụng màu sơn phản xạ với hệ số SRI trung bình 80%. Ngoài ra, việc sử dụng kính low-e 2 lớp cho những căn hộ cửa sổ hướng tây giúp cư dân tiết kiệm tiền điện sử dụng điều hòa vào mùa nóng nực; hay trồng thêm nhiều cây xanh để tăng chất lượng không khí và giảm hiệu ứng đảo nhiệt…

Thêm nữa, 400 tấm pin mặt trời được bố trí trên mái nhằm cung cấp điện cho hệ thống ánh sáng hành lang hoạt động. Các thiết bị vòi nước, bồn vệ sinh cũng lựa chọn các sản phẩm sao cho có thể tiết kiệm nước nhất có thể. Để tránh hiện tượng nước bẩn, giúp loại bỏ cặn bẩn và vi khuẩn, hệ thống màng lọc tổng UF đã được sử dụng tại dự án chung cư này.

Theo Capital House, sẽ có những giải pháp và thiết kế riêng áp dụng cho từng phân khúc dự án khác nhau, do vậy phân khúc dự án nào cũng có thể phát triển công trình xanh.

Với quyết tâm trở thành chủ đầu tư tiên phong trong việc áp dụng chứng chỉ công trình xanh EDGE, góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa ngành công nghiệp xây dựng tại Việt Nam, Tập đoàn Capital House đã cam kết tham gia vào chương trình EDGE Champion của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) dành cho các chủ đầu tư áp dụng các giải pháp công trình xanh EDGE cho tối thiểu 80% các dự án bất động sản của mình từ rất sớm.

Chưa dừng lại ở việc được nhận chứng chỉ EDGE Champion, Capital House còn cam kết 100% các dự án tiếp theo của tập đoàn sẽ thiết kế theo hướng xanh và bền vững, đáp ứng tiêu chuẩn công trình xanh EDGE cũng như các chứng chỉ công trình xanh uy tín khác trên thế giới. Với lộ trình này, Capital House sẽ nâng tổng số dự án đạt chuẩn công trình xanh EDGE lên 8 công trình tính đến hết năm 2021.

Song song với đó, IFC và Capital House còn cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong việc triển khai các hoạt động liên quan đến xây dựng xanh như đào tạo, tổ chức hội thảo, nghiên cứu… góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng phát triển theo hướng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải carbon.

Bà Đỗ Ngọc Diệp – Quản lý Chương trình Công trình xanh của IFC chia sẻ, gần 80% công trình đạt chứng chỉ công trình xanh Edge của IFC thuộc loại hình nhà ở cao tầng… và khẳng định phát triển nhà ở cao tầng xanh trong các đô thị bền vững đang là xu hướng tất yếu, được thúc đẩy tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, để tạo được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội, cũng cần nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và nhân dân về vị trí, vai trò của công trình xanh, kiến trúc xanh, vật liệu xanh, công nghệ – giải pháp xanh cùng các hệ thống chứng nhận xanh… Từ đó thúc đẩy xu hướng kiến trúc xanh phát triển tại Việt Nam, góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo Phương Linh/Thời báo Ngân hàng

There are no comments yet

Tin mới hơn ...