Hồ sơ những doanh nghiệp ngoại có đất ‘sát nách’ sân bay quân sự Nước Mặn
VNBTIMESThông tin Đà Nẵng đã cấp 21 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho hai DN có yếu tố nước ngoài ở khu dọc sân bay Nước Mặn thuộc quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) khiến dư luận bất ngờ.
Khu đất này vốn giữ vị trí quan trọng đối với an ninh – quốc phòng của khu vực Đà Nẵng…
Mang đất sát sân bay quân sự cho thuê 50 năm
Theo tài liệu, hiện khu biệt thự sân bay Nước Mặn có 246 lô đất thuộc chủ quyền của bảy công ty, 26 cá nhân có nhiều lô đất và 95 lô đất do cá nhân nhận chuyển nhượng…
Các công ty đang đứng tên đất tại đây là Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday (24 lô); Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi (17 lô); Công ty TNHH TM & DV Hoàng Gia Trung (12 lô); Công ty TNHH Thương mại Du lịch và DV Silver Park (4 lô); Công ty TNHH TM Du lịch & DV Nguyên Thịnh Vượng (10 lô); Công ty TNHH Silver Sea Triệu Nghiệp (7 lô); Công ty TNHH Du lịch TM và DV Golden Wyn (3 lô); Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt…
Trong số trên, theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng, có hai DN có yếu tố nước ngoài (các cá nhân nước ngoài tham gia góp vốn theo hình thức sở hữu cổ phiếu, cổ phần trong DN) được cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước tại 21 sổ đỏ.
Hai công ty đó là Silver Shores Hoàng Đạt, thành lập theo Giấy phép số 2581/GP ngày 21/6/2006 của Bộ KH&ĐT, bên Việt Nam (Công ty Cổ phần Hoàng Đạt) góp vốn 10%, bên nước ngoài (Công ty TNHH Silver Shores, trụ sở tại Mỹ, do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện, góp 90%).
DN này được UBND TP cho thuê 20 ha đất cơ sở sản xuất kinh doanh, thời hạn 50 năm (đến 21/6/2056), tại phường Khuê Mỹ. Thời gian qua, Silver Shores Hoàng Đạt đầu tư một loạt khách sạn cao tầng tại khu vực sân bay Nước Mặn. Ngoài khách sạn Crowne Plaza hoàn thành đi vào hoạt động nhiều năm qua, dự án khách sạn JW Marriott quy mô hai khu 18 tầng cũng đã hoàn thiện.
Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.Holiday, có Giấy chứng nhận đăng ký DN mã số 0401526745 do Phòng Đăng ký kinh doanh Sở KH&ĐT Đà Nẵng cấp, đăng ký thay đổi lần thứ tám ngày 28/7/2014, là DN Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% (do cá nhân Li Jin An, người Trung Quốc), nhận chuyển nhượng từ cá nhân, DN Việt Nam; với 20 lô đất đã được cấp “sổ đỏ” tại vệt khai thác quỹ đất 25m dọc tường rào sân bay Nước Mặn từ 2014 – 2015.
V.N.Holiday được thành lập ngày 21/1/2013, trụ sở chính tại đường Đông Hải 2, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Giám đốc là bà Đỗ Thị Anh Minh (31 tuổi, quê Quảng Bình), nhưng không có vốn góp vào công ty. Ngày 7/5 vừa qua, công ty này được cấp đăng ký thay đổi DN với nội dung tăng vốn điều lệ từ 40 lên 100 tỷ đồng.
Trong đó danh sách thành viên góp vốn xuất hiện cái tên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phoenix, góp 23,8 tỷ. Còn lại các cá nhân Lijinan góp 19,2 tỷ; Lê Thị Ngọc Bé góp 29 tỷ; Phạm Thị Thùy Trâm góp 28 tỷ.
Về Công ty Phoenix, theo tìm hiểu, thành lập vào ngày 5/4/2018, trụ sở chính tại 209 Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn. Giám đốc là bà Lê Thị Thu Hương (24 tuổi, quê Quảng Nam). Ngày 12/4/2019, công ty này được cấp đăng ký thay đổi DN với nội dung tăng vốn điều lệ từ 20 lên 36 tỷ. Gần một tháng sau đó, Phoenix góp 23,8 tỷ vào V.N.Holiday như đã nêu trên.
Ngày 22/9, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết đã có buổi làm việc với Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT) liên quan việc cấp 21 sổ đỏ cho các DN có yếu tố Trung Quốc.
“Qua buổi làm việc, kiểm tra các hồ sơ pháp lý, Tổng cục xác nhận việc cấp sổ đỏ cho DN là phù hợp quy định Luật Đất đai”, ông Hùng nói. Về nghi vấn người nước ngoài núp bóng người Việt để thâu tóm đất ven biển, ông Hùng cho rằng “đơn vị cấp các giấy theo đúng Luật Đất đai, còn lại là trách nhiệm của các cơ quan điều tra”.
Các chuyên gia nói gì?
Các DN đã “lách luật” ra sao trong sự việc trên? Theo ông Trần Văn Sơn, Phó Trưởng Ban Nội chính Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT TP, sau khi một người Việt mua đất khu Sân bay Nước Mặn, người đó đứng tên, được cấp sổ đỏ. Sau đó người này sẽ thành lập DN, rồi liên doanh với một DN nước ngoài với tỷ lệ bên nước ngoài mua 49%.
Rồi DN xây khách sạn, khi xây xong, theo Luật Doanh nghiệp, sẽ chuyển đổi cổ đông, thậm chí có thể chuyển thành 100% vốn nước ngoài. “Mà luật lại không quy định vấn đề cho hay không góp vốn bằng đất với người nước ngoài. Về danh nghĩa, người nước ngoài sở hữu công ty, nhưng một tài sản quan trọng nhất của công ty lại chính là miếng đất”, ông Sơn nói.
Từ năm 2018, Sở KH&ĐT Đà Nẵng đã đề nghị Chính phủ xem xét đề nghị Quốc hội bổ sung vào Luật Đầu tư nội dung: “Với việc mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong các DN Việt Nam, trong trường hợp dự án có sử dụng đất, Cơ quan đăng ký đầu tư tổ chức thẩm định, lấy ý kiến các bộ, ngành và cơ quan liên quan…”.
Chưa hết, do chưa có phần mềm liên thông giữa Đăng ký kinh doanh và việc thông báo đủ điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức kinh tế Việt Nam nên công tác thống kê gặp nhiều khó khăn, không đầy đủ.
Một luật sư tại Đà Nẵng cùng quan điểm, cho hay theo quy định tại Điều 46 Nghị định 118/CP và Điều 26 Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế trong nước, thì không phải thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nghị định 139/2007/NĐ-CP cũng quy định DN dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 88/2006/NĐ-CP, giống như với dự án đầu tư trong nước. “Chính những kẽ hở này đã tạo điều kiện cho người nước ngoài lách luật, sở hữu công ty có đất tại Việt Nam”, luật sư này nói.
Trở lại với sân bay Nước Mặn, theo các chuyên gia, khu vực này có tầm quan trọng về an ninh – quốc phòng với cả khu vực nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 cho biết, toàn bộ tuyến đường Trường Sa – Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp như một thành lũy bảo vệ TP. “Vì vị trí quan trọng như vậy nên khi thực dân Pháp mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược đều xuất phát đánh chiếm bán đảo Sơn Trà”, Tướng Hùng nói.
Ở khu vực sân bay Nước Mặn, công trình của Silver Shores Hoàng Đạt, theo các chuyên gia quân sự, có thể làm “vô hiệu hóa” chức năng phòng thủ và tấn công của sân bay quân sự vì ảnh hưởng rất nhiều đến pháo phòng không, tên lửa; che mất đường cất hạ cánh của máy bay.“
Về nghi vấn người Trung Quốc “lách luật” để mua đất tại Đà Nẵng, thực sự là nỗi lo. Các cơ quan chuyên môn phải vào cuộc để tìm hiểu hoạt động của những đơn vị này chỉ đơn thuần về mặt kinh tế, hay có âm mưu gì liên quan an ninh trong tương lai”, một chuyên gia cảnh báo.
Ông Bùi Văn Tiếng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng đồng quan điểm cần tăng cường khả năng thẩm định để tình trạng này không tái diễn; tổng rà soát để phát hiện thêm các trường hợp vi phạm khác.
Theo Pháp luật Việt Nam
Tin mới hơn ...
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm cung đoạn Nam Định 1 – Phố Nối đóng điện thành công 20/08/2024
- Đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quỳnh Lưu – Thanh Hóa vừa được đóng điện 19/08/2024
- Bình Dương lấy nông nghiệp công nghệ cao làm chiến lược hút vốn đầu tư 13/08/2024
- Đèo Lương Sơn thách thức runner VM Nha Trang thế nào? 06/08/2024
There are no comments yet