Được “ứng cứu”, PVTex vẫn “bi đát”



VNBTIMESNợ phải trả của PVTex đã vượt mức tổng đầu tư của dự án và đạt 7.726 tỷ đồng...

Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), một “đại dự án” thua lỗ của ngành Công Thương là Công ty cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex – công ty con của Petro Vietnam) đang có tình hình tài chính rất bi đát.

Bết bát vì… nợ

Tại báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Deloitte của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ( PVN ) cho biết, tại ngày 31/12/2018, tài sản ngắn hạn của PVTex nhỏ hơn nợ phải trả ngắn hạn khoảng 2.616 tỷ đồng (con số này vào cuối năm 2017 là 2.092 tỷ đồng).

Trong khi đó, lỗ luỹ kế của PVTex tại thời điểm 31/12/2018 lên tới 4.749 tỷ đồng, lỗ luỹ kế của PVTex đã vượt quá vốn góp của chủ sở hữu. Con số lỗ luỹ kế vào cuối năm 2017 là 4.039 tỷ đồng (nói cách khác, trong năm 2018, PVTex lỗ ròng thêm 410 tỷ đồng).

PVTex vẫn tiếp tục thua lỗ năm 2018 dù có đối tác mới.

Cũng tại thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của PVTex là khoảng 5.237 tỷ đồng (giảm đáng kể so với tổng tài sản một năm trước đó là 5.604 tỷ đồng). Tuy nhiên, nợ phải trả đã lên tới 7.727 tỷ đồng (tăng mạnh so với con số 7.384 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017), trong đó, số dư khoản vay dài hạn của PVTex tại BIDV được PVN bảo lãnh với số dư gốc vay khoảng 5.125 tỷ đồng.

Số dư các khoản vay và nợ đã quá hạn, chưa được thanh toán tại ngày 31/12/2018 khoảng gần 1.400 tỷ đồng tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017.

PVTex đang làm việc với các nhà thầu và cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xác định giá trị quyết toán công trình Nhà máy Sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ.

“Các yếu tố này dẫn tới nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động của PVTex trong vòng ít nhất 12 tháng sắp tới. Do đó, chúng tôi không thể xác định được liệu báo cáo tài chính hợp nhất được lập với giả định PVTex sẽ tiếp tục hoạt động liên tục có phù hợp hay không và có cần thiết phải điều chỉnh số liệu liên quan đến PVTex hay không”, báo cáo của kiểm toán Deloitte đưa ra.

Kỳ vọng “giải cứu”

Nhà máy PVTex thuộc danh sách 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, tháng 9/2015 nhà máy đã phải dừng hoạt động do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và PV Tex đã tích cực tìm kiếm đối tác để vực dậy và tái vận hành nhà máy.

Sau thời gian thương thảo, tháng 4/2018, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài đến từ Singapore (Fortrec) và Ấn Độ (Tập đoàn Reliance) đã chính thức trở thành đối tác chiến lược “giải cứu” PVTex.

Dưới sự hỗ trợ của đối tác chiến lược, PVTex nâng công suất lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY, dự kiến nâng công suất phân xưởng sản xuất sợi DTY lên tối đa và sẽ khởi động lại toàn nhà máy cuối năm 2019.

Tháng 7/2018 công ty An Sơn Textile, một thành viên của Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đã ký hợp đồng với PVTex để tái khởi động lại nhà máy. Theo đó, An Sơn (An Phát Holdings) đầu tư nguồn vốn, công nghệ, chuyên gia và định hướng kinh doanh để có thể đưa nhà máy hoạt động ổn định. Đổi lại An Phát được quyền bao tiêu 35% sản phẩm hạt nhựa PP của dự án nhà máy Lọc dầu Bình Sơn.

Tháng 11/2018, sản phẩm sợi đầu tiên của nhà máy mang tên Anpoly đã ra mắt, đánh dấu sự hồi sinh của dự án Đình Vũ.

Tin từ PVTex cho biết, tính đến 20/5/2019, tức là sau đúng 1 tháng vận hành, với giá mua nguyên liệu thời điểm đó, nhà máy đã có lãi khoảng 170 triệu đồng, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Đánh giá về dự án này, tại đại hội cổ đông thường niên 2019 diễn ra hồi tháng 4/2019, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch An Phát Holdings từng cho biết, nguyên nhân dự án không hiệu quả là do nguồn vốn không đủ; nhân lực không đủ, không nắm được công nghệ và thay đổi liên tục; tại thời điểm dự án chạy thị trường xơ sợi đi xuống, giá bán thấp và một số nguyên nhân khác…

Đến khi An Phát tiếp quản dự án, công ty đánh giá công nghệ của nhà máy tốt, máy móc tốt, các nguyên nhân nói trên có thể khắc phục được ngoài ra không còn vướng mắc nào khác.

Tuy vậy, trong năm 2018, PVTex vẫn tiếp tục thua lỗ thêm.

PVTex có tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng) ra đời cuối năm 2008, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay PVTex thua lỗ triền miên. Năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 1.255 tỷ đồng. Dự án dừng hoạt động từ năm 2015 dù vậy tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Liên quan đến những sai phạm tại PVTex, Bộ Công an đã khởi tố loạt lãnh đạo công ty là Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị PVTex; Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex; Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTex…

Theo Nha Trang/Diễn đàn Doanh nghiệp

There are no comments yet

Tin mới hơn ...