Luồng gió mới để kinh tế tư nhân phát triển
VNBTIMES Từ ngày 3/9 - 31/12/2019, Ban Kinh tế Trung ương mở cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế". Đây là một trong những quy trình để cụ thể hóa Nghị quyết số 10 Hội nghị Trung ương 5, Khóa XII.
Câu chuyện công – tư
Cách đây mấy năm, người viết được phân công theo dõi đưa tin về hoạt động của lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, trong đó thường được đi theo đoàn của đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị. Nhớ lại buổi thăm, làm việc tại làng sinh viên Hacinco, khi Bí thư Thành ủy “chất vấn” đại diện các Sở Xây dựng, Tài chính… vì sao tiến độ chậm so với kế hoạch? Và nghe đại diện các sở trả lời mới thấy hết nỗi gian truân của các chủ đầu tư. Muốn hoàn thiện một dự án, không chỉ “bước qua” rất nhiều loại văn bản, mà họ còn phải “gõ cửa” rất nhiều cơ quan có thẩm quyền. Mỗi một cơ quan quản lý Nhà nước có một chức năng riêng, nên khi chưa có sự phê duyệt của cơ quan chuyên môn thì chưa kể tiến hành.
Còn đại diện một doanh nghiệp Nhà nước cho hay, theo đúng quy trình từ khâu lập dự án, thẩm định dự án, triển khai dự án… nếu sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, hoặc doanh nghiệp Nhà nước làm công tác triển khai thủ tục cũng mất 2-3 năm. Thời gian này, nếu doanh nghiệp tư nhân họ đã triển khai xong. Ví dụ điển hình nhất, những dự án do doanh nghiệp tư nhân đầu tư như Sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do Tập đoàn Sunroup, đường trên cao ở Hà Nội do Vingroup làm chủ đầu tư chỉ mất 2- 3 năm họ đã làm xong.
Nếu là vốn ngân sách, doanh nghiệp Nhà nước làm thì chưa biết khi nào sẽ xong. Vấn đề đặt ra, tại sao cùng một cơ chế, cùng một hành lang pháp lý như nhau doanh nghiệp tư nhân làm lại luôn nhanh, còn “đụng” đến vốn ngân sách hay doanh nghiệp Nhà nước triển khai thường rất chậm? Các chuyển gia chỉ ra rằng tất cả do nút thắt cơ chế. Tuy nhiên, để phát triển thành phần kinh tế tư nhân, xứng tầm là một trong những trụ cột của nền kinh tế, điều quan trọng phải tạo ra sân chơi bình đẳng để họ có điều kiện “thi đấu”.
Dần gỡ nút thắt cơ chế
Với phương châm, lĩnh vực gì Nhà nước không cần thiết làm thì giao cho tư nhân. Đồng thời, nhận thấy vai trò, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước, ngày 3/6/2017, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo đó, Nghị quyết nhận định: “Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá 9 “về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền; bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39-40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hoá kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên…Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân còn hạn chế, yếu kém. Hệ thống pháp luật, các cơ chế, chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ”. Chình vì vậy, tiếp tục luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho thành phần kinh tế tư nhân tiếp tục lớn mạnh là vấn đề quan trọng.
Và không phải ngẫu nhiên, trong các phiên họp thường kỳ Chính phủ, gặp mặt doanh nhân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh đến nội dung đổi mới thể chế để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.
Hy vọng luồng gió mới
“Đảng đã nhận rõ tầm quan trọng của kinh tế tư nhân và đã ban hành Nghị quyết số 10. Giờ là lúc Quốc hội, Chính phủ phải cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng. Việc Ban Kinh tế Trung ương công khai mở cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” thực sự đã xem cộng đồng doanh nghiệp nói chung, khu vực kinh tế tư nhân nói riêng thực sự là xương sống của nền kinh tế. |
Để cụ thể hóa Nghị quyết số 10 của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với các cấp, ngành mở cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế”. Với tư cách là chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên – Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để đưa tư tưởng đường lối vào cuộc sống để tạo ra những thay đổi căn bản thì mặt quan trọng nhất chúng ta phải thay đổi tư duy làm luật, xây dựng hệ thống thể chế đúng kiểu thị trường. “Tôi nghĩ rằng, Cuộc vận động đúng lúc này sẽ thu hút được trí tuệ của doanh nghiệp doanh nhân vào đóng góp. Lần đóng góp này được đặt trên nền tảng không có phân biệt khối tư nhân hay nhà nước. Qua Cuộc vận động, lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp vào Đảng, Nhà nước sẽ được tăng lên”- TS Trần Đình Thiên cho hay.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Hiến pháp Việt Nam cũng đã ghi yêu cầu khuyến khích tạo thuận lợi cho đầu tư sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Dưới tác động của chính sách đỏ, cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước đã phát triển mạnh mẽ và là một trong những thành phần quan trọng của công cuộc đổi mới 30 năm qua.
Hiện nay chúng ta có hơn 700 ngàn doanh nghiệp, 5,2 triệu hộ kinh doanh, gần 6 triệu thực thể kinh doanh. Để tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp đặc biệt là khu vực tư nhân trong thời gian tới, chúng tôi đã nêu kiến nghị phải chính thức hóa, coi hộ kinh doanh như doanh nghiệp, chịu sự điều khiển của Luật Doanh nghiệp, tất nhiên là phải có cơ sở pháp lý và mô hình cho loại doanh nghiệp này. Và bằng cách đó chúng ta chính thức hóa, nâng cấp dược hệ thống doanh nghiệp nước ta.
“Từ trước đến nay Đảng đã luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, có thể là các cuộc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp với chính quyền, bộ ngành cũng khá đồn dập. Việc cải cách thể chế không phải là chuyện riêng của Đảng, Nhà nước mà cả người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp hiểu hơn ai hết đời sống kinh doanh và sẽ là người hiến kế trong cải cách. Chúng tôi rất hoan nghênh trong khi tiến tới Đại hội 13 chúng ta tổ chức Cuộc vận động. Đây là sáng kiến rất quan trọng được cộng đồng doanh nghiệp và người dân sẽ đón nhận. Tin rằng Cuộc vận động sẽ được đón nhận với trách nhiệm của mình. Đây cũng chính là hội nghị Diên Hồng để doanh nghiệp, người dân có thể hiến kế với Đảng để phát triển kinh tế”- Chủ tịch Vũ Tiến Lôc nêu quan điểm.
L.Hà- H.Xuân/Lao động thủ đô
Tin mới hơn ...
- Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 21/08/2024
- Vĩnh Long mời gọi đầu tư 20 dự án, vốn hơn 30 ngàn tỷ đồng 21/08/2024
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm 2 cao tốc được kiến nghị bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ toàn quốc 21/08/2024
- Đồng Nai: Dự án điện rác 2 năm chưa xong báo cáo nghiên cứu khả thi 21/08/2024
There are no comments yet