Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang góp phần tăng tính kết nối liên vùng



VNBTIMESCao tốc Tuyên Quang – Hà Giang sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tăng tính kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang dài gần 105 km, trong đó 77 km thuộc Tuyên Quang và […]

Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tăng tính kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang dài gần 105 km, trong đó 77 km thuộc Tuyên Quang và 27,5 km thuộc Hà Giang. Điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ với quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang được đầu tư xây dựng nhằm giảm tải lưu lượng cho quốc lộ 2. Quốc lộ 2 dài 300 km, là tuyến đường kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Đông Bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang. Tại các địa phương này, đường bộ vẫn là loại hình vận tải duy nhất, do vậy quốc lộ 2 luôn có lưu lượng phương tiện lớn, từ 3.500 đến 4.000 xe mỗi ngày, đa số là xe tải, xe khách. Do có lưu lượng phương tiện lớn như vậy nên quốc lộ 2 thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.

Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) khi hoàn thành sẽ tạo thêm hành lang, động lực phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời giải quyết “điểm nghẽn” về giao thông liên kết vùng, thúc đẩy giao thương hàng hóa.

Dự án Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tăng tính kết nối liên vùng

Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang quy mô (giai đoạn 1) với 2 làn xe cơ giới, 7 nút giao liên thông và 3 nút giao bằng, 91 hầm chui, 22 cầu trên đường cao tốc, cầu trên nhánh nút giao liên thông vượt đường cao tốc và cầu vượt. Tổng mức đầu tư 6.800 tỷ đồng, trong đó: 4.497,17 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương, 2.302,83 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc sẽ góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông trở thành trục giao thông kết nối nhanh, thuận lợi, giải quyết được những “điểm nghẽn” về giao thông liên vùng từ Thủ đô Hà Nội qua tỉnh Tuyên Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.

Đầu năm 2024, UBND tỉnh Tuyên Quang đã đề xuất phương án đầu tư mở rộng cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang từ 2 lên 4 làn xe, thực hiện từ năm 2024 đến 2026. Theo đó, cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang (Giai đoạn 2) dự kiến mở rộng 4 làn xe, nền đường rộng 25 m và đầu tư mới 7,3 km từ khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến quốc lộ 2D, kết nối với cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ. Tuyến đường sẽ có dải phân cách, làn dừng khẩn cấp, riêng đoạn qua Hà Giang vẫn giữ hai làn xe. Tổng vốn đầu tư giai đoạn 2 là hơn 7.430 tỷ đồng, tỉnh Tuyên Quang kiến nghị bố trí từ nguồn vốn ngân sách trung ương.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Tuyên Quang, đến nay dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang đã giải phóng mặt bằng đạt 82%. Dự án có 7 gói thầu xây lắp, hiện đã triển khai 74 mũi thi công với tổng số lượng gần 500 máy móc, thiết bị trên tuyến. Tuy nhiên, dự án được triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng, cùng với thời tiết mưa nhiều, kéo dài rất khó khăn trong việc thi công nền đường, nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc này, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ về giải phóng mặt bằng, ưu tiên các vị trí điểm nghẽn. Năm 2024 dự án được giao vốn hơn 2.280 tỷ đồng, hiện tiến độ giải ngân đạt hơn 38% kế hoạch.

Toàn cảnh Thành phố Tuyên Quang.

Cao tốc tốc Tuyên Quang – Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang (giai đoạn 1) dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, hiện các nhà thầu đang thi công đồng loạt không ngừng nghỉ, ngày đêm tập trung nhân lực, vật lực, “vượt nắng thắng mưa” thể hiện sự bức tốc, góp phần quan trọng để dự án trọng điểm cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) sớm hoàn thành đi vào khai thác, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tăng tính kết nối liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh khu vực miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng.

Nỗ lực hoàn thành 20 cầu trong năm 2025

Trong 7 gói thầu xây lắp cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, gói thầu số 24 có khối lượng thi công 22 cầu, trị giá khoảng 736 tỷ đồng, công địa thi công trải dài trên toàn tuyến. Gói thầu do liên danh Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm triển khai 20 cầu (trị giá 626,3 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Xây dựng Cầu 75 triển khai 2 cầu (109,7 tỷ đồng).

Ông Lê Đức Tranh (Bên trái hình), Giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 24 (Tập đoàn Đèo Cả) thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1.

Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 24 (Tập đoàn Đèo Cả) thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 cho biết, trong quá trình thi công đơn vị thi công đã gặp khó khăn, vướng mắc về đường công vụ ngoại tuyến, dọc tuyến chính, đường tiếp cận vào thi công. Cụ thể, đường tiếp cận khó khăn như cầu Mỹ Lâm, Đức Ninh, cầu trên nhánh nút giao quốc lộ 3B tại Km34+631;…

Việc bàn giao mặt theo từng đợt riêng lẻ như tại khu vực Cầu Hàm Yên chỉ bàn giao mặt bằng dưới nước, chưa bàn giao mặt bằng trên cạn; Cầu vượt QL37 bàn giao mặt bằng 3/4 vị trí mố trụ, chưa bàn giao mặt bằng bãi đúc dầm…

Tại thời điểm bàn giao mặt bằng, phạm vi thi công một số cầu chưa có đường tiếp cận, theo hồ sơ thiết kế, đường tiếp cận thi công cầu sử dụng chung với đường công vụ thi công đường nhưng đơn vị thi công đường chưa triển khai, ví dụ tại Cầu Ô Rô, Cầu Hàm Yên, cầu vượt Nút Giao Bạch Xa…

Những vấn đề này làm ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch huy động, luân chuyển máy móc thiết bị và nhân sự phục vụ thi công so với tiến độ thực hiện trong hồ sơ dự thầu.

Để khắc phục những khó khăn vướng mắc này, đơn vị thi công đã thành lập các Ban chỉ huy thi công tại các điểm cầu, chủ động điều phối máy móc thiết bị và nhân sự phục vụ thi công tại các điểm cầu đã được bàn giao mặt bằng sạch để triển khai thi công.

Chủ động làm việc, phối hợp với các bên liên quan: Chủ đầu tư, Tư vấn giám sát, đơn vị thi công đường để sớm triển khai đường tiếp cận đối với những cầu sử dụng chung đường công vụ với gói thầu thi công đường (Cầu Ô Rô, cầu vượt Nút giao Bạch Xa…).

Đối với một số cầu chưa được bàn giao giải phóng mặt bằng sạch, nhà thầu thực hiện công tác dân vận để thuê, mượn đất làm đường tiếp cận và triển khai thi công (Cầu vượt QL37, cầu cạn Km48, cầu Hàm Yên…).

Ông Lê Đức Tranh, Giám đốc Ban Điều hành gói thầu XL-24 (Tập đoàn Đèo Cả) thuộc dự án đường cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang giai đoạn 1 khẳng định: “Nhà thầu cam kết sẽ thi công hoàn thành đúng kế hoạch toàn bộ 20 cầu của dự án trong năm 2025”.

There are no comments yet

Tin mới hơn ...