Doanh nhân Võ Tấn Tình: Muốn tăng tốc, phải chuyển đổi số
VNBTIMESNếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp logistics sẽ đánh mất nhiều cơ hội, thậm chí “thua ngay từ những bước chân đầu tiên”.
Xác định rõ điều này, anh Võ Tấn Tình cùng đội ngũ lãnh đạo Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL) đã chủ động áp dụng công nghệ để đón đầu xu hướng, tạolợi thế cạnh tranh và tăng tốc phát triển.
Những bước chân đầu tiên…
Sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật tại Trường đại học Văn Lang vào năm 2006, Võ Tấn Tình làm việc cho một doanh nghiệp tại TP.HCM trong lĩnh vực kỹ thuật điện lạnh. Nhưng chỉ sau đó 3 tháng, anh bắt đầu tham gia hoạt động trong ngành logistics cùng với chị gái tại Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Mỹ Á (ASL).
Lúc đó, anh Tình chưa hiểu sâu về logistics, song may mắn là, khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh đã có cơ hội trải nghiệm trong lĩnh vực này qua 2 năm làm việc bán thời gian tại Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn với công việc đóng hàng container.
“Khi ấy, tôi thu gom hàng hóa lẻ và đóng hàng consol (hàng xếp thiếu, không đủ một container) như tranh ảnh, hàng may mặc… của khách du lịch đến Việt Nam mua hàng lưu niệm và gửi sang Mỹ”, anh Tình kể.
Như một sự sắp đặt, cộng thêm phần yêu thích công việc, nên trong thời gian làm việc tại ASL, Võ Tấn Tình quyết định theo học văn bằng 2 tại Trường đại học Kinh tế TP.HCM để nâng cao kiến thức chuyên môn.
Càng tìm hiểu, tôi càng thích lĩnh vực mới mẻ này và muốn thử sức. Được trau dồi kiến thức, tôi hiểu sâu hơn về các nghiệp vụ logistics và có cơ hội làm việc với nhiều chủ hàng, công ty xuất nhập khẩu, các hãng tàu. Nhờ vậy, tôi ngày càng tự tin khi đứng trong hàng ngũ của ASL”, anh chia sẻ.
Nỗ lực học hỏi, làm việc và phấn đấu, từ vị trí nhân viên, anh Tình được giao đảm nhận vị trí quản lý bộ phận, rồi tới quản lý khu vực và trưởng phòng logistics. Năm 2015, ASL mở rộng địa bàn, anh được giao phụ trách phát triển Văn phòng đại diện Chi nhánh ASL Bình Dương.
Giai đoạn bắt đầu đi vào hoạt động, ASL Bình Dương chỉ có 2 chiếc xe đầu kéo, khai thác một lượng nhỏ khách hàng ở khu vực này. Từ mức doanh thu 7 tỷ đồng trong năm 2015, đến nay, Chi nhánh đạt doanh thu bình quân trên 70 tỷ đồng/năm, sở hữu gần 50 xe đầu kéo và 95 rơ moóc. Đây là kết quả từ sự nỗ lực của Võ Tấn Tình và đội ngũ, nhưng anh luôn khiêm tốn nói rằng: “Tôi cảm nhận được rõ rệt sự hỗ trợ của các thế hệ đi trước và sự giúp đỡ từ chính khách hàng của mình”.
Áp dụng công nghệ, đón đầu xu hướng
Anh Tình nhận định, với vị trí trung tâm trong khu vực và cửa ngõ vận chuyển hàng hóa, Việt Nam là thị trường nhiều tiềm năng, đặc biệt trong lĩnh vực logistics thương mại điện tử. Theo đó, các đối tác quốc tế sẽ hướng đến Việt Nam để khai thác triệt để tiềm năng này. Bởi vậy, nếu doanh nghiệp không nhanh nhạy, không chủ động áp dụng công nghệ để đón đầu xu hướng mới, thì sẽ đánh mất nhiều cơ hội phát triển.
“Chỉ khi người lãnh đạo thay đổi tư duy, thì cả bộ máy mới có thể chuyển mình đi theo công nghệ một cách mượt mà. Thực tế, có không ít doanh nghiệp đã leo lên chiếc tàu công nghệ, nhưng lại chỉ đi được nửa đường, vì chi phí đầu tư cho công nghệ khá lớn, mà doanh nghiệp lại thiếu sự bền bỉ”, anh chia sẻ.
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đặt ra cho ngành logistics yêu cầu về sự nhập cuộc nhanh hơn. Sau khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó tổng giám đốc ASL vào tháng 10/2022, anh Tình cùng ban lãnh đạo ASL tiếp tục chủ động chuẩn bị, xây dựng nền tảng công nghệ để phục vụ kinh doanh, đồng thời tự tìm tòi nghiên cứu và đặt hàng từ các doanh nghiệp công nghệ để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.
Khi bắt đầu tiến hành chuyển đổi số, ASL cũng gặp rất nhiều gian nan như bao doanh nghiệp khác. Đội ngũ nhân sự, đặc biệt là các tài xế container, chưa am hiểu về công nghệ. Việc đào tạo và áp dụng công nghệ là một quá trình dài, nhiều lần ASL triển khai không thành công.
Thời gian đầu, chỉ riêng hoạt động cấp dầu cho các xe container, Công ty phải sử dụng rất nhiều nhân sự, như kế toán, thủ kho, nhân viên trực theo ca… Nhìn ra những điểm bất cập này, anh Tình trăn trở trong suốt một thời gian dài để tìm giải pháp.
Nhờ tham gia công tác điều hành và được đến nhiều nơi trên thế giới, anh Tình có cơ hội tiếp cận công nghệ của Nhật Bản. Về Việt Nam, anh dành nhiều tâm huyết để nghiên cứu, tìm hiểu về phần mềm, nhà cung cấp… Sau đó, ASL mời các đối tác Nhật Bản đến Việt Nam để đánh giá sơ lược khả năng sử dụng công nghệ. Anh và đối tác đã cùng nhau thiết kế ứng dụng quản lý hoạt động bơm, cấp dầu đặc thù.
Ứng dụng này giúp ASL cập nhật online thông tin về lượng dầu sử dụng cho một xe, thông tin về tài xế…, vừa giảm bớt nhân sự ở một số bộ phận, vừa minh bạch thông tin về lượng nguyên vật liệu sử dụng.
Hiệu quả mà công nghệ mang lại ngày càng được nhìn nhận rõ ràng hơn. Từ năm 2020, ASL liên tục nâng cấp các nền tảng số và quyết tâm thực hiện một “cuộc cách mạng” cho toàn bộ đội ngũ nhân sự.
Đối với những người lao động chưa am hiểu công nghệ, anh Tình lựa chọn giải pháp “mưa dầm thấm lâu”. Đều đặn vào các ngày Chủ nhật hằng tuần, ASL tiến hành đào tạo, hướng dẫn cụ thể cho từng người. Sau 6 tháng, đội ngũ nhân sự của ASL đã nắm vững quy trình, áp dụng và vận hành trên nền tảng công nghệ chuyên nghiệp.
Nhờ nỗ lực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào quản trị nhân lực và vận hành doanh nghiệp, ASL đã tạo được chỗ đứng vững chắc, tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường và luôn mang đến cho khách hàng sự an tâm, tin tưởng vì có thể quản lý lô hàng đang được vận chuyển bởi ASL.
Từng bước vươn ra thế giới
Nhiều năm qua, anh Võ Tấn Tình cùng đội ngũ lãnh đạo ASL đã nỗ lực để kết nối và hợp tác với các tập đoàn hoạt động cùng lĩnh vực trên thế giới. Đơn cử, ASL đã hợp tác với Tập đoàn Ryobi Holdings về chuỗi cung ứng lạnh.
Dịch vụ bảo quản và vận chuyển hàng đông lạnh là một trong những giải pháp nâng cao năng lực xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản; giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á.
“Việc hợp tác với tập đoàn 100 năm tuổi còn giúp chúng tôi mở rộng cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm quản lý và được chuyển giao một số công nghệ về vận chuyển hàng lạnh, phát triển chuỗi cung ứng lạnh, mảng dịch vụ hậu cần vận tải, như sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng xe container… để từng bước vươn ra thế giới”, anh Tình chia sẻ.
Năm ngoái, ASL vừa ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản trị chuỗi cung ứng 4PL và kết hợp dịch vụ đại lý hải quan cho 6 nhà máy Heineken ở Việt Nam, tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vũng Tàu, Tiền Giang và TP.HCM.
Theo đó, ASL sẽ thực hiện quản lý hoạt động xuất nhập khẩu của Heineken dựa trên phần mềm do chính đối tác công nghệ của ASL cung cấp. Trên nền tảng này, Heineken có thể theo dõi được tiến trình của các lô hàng cũng như đánh giá KPI được báo cáo hàng tháng.
“Hầu hết các tập đoàn đa quốc gia trong ngành logistics khi đến Việt Nam đều có nền tảng vững chắc và sử dụng công nghệ. Doanh nghiệp Việt Nam đi sau và nếu còn đi chậm, thì sẽ thua ngay từ những bước chân đầu tiên. Trong khi đó, nhiều hãng tàu quốc tế đã tự thành lập doanh nghiệp vận tải và có lợi thế hơn khi cung cấp dịch vụ, giá cả cạnh tranh… ASL hiểu rất rõ điều này và đang tập trung nguồn lực, học hỏi, đổi mới, cập nhật… nhằm gia tăng sức cạnh tranh”, anh Tình nói.
Bên cạnh đó, ASL đã xây dựng chiến lược cạnh tranh về giá, chiến lược marketing phù hợp với từng thời điểm, từng thị trường… nhằm hỗ trợ khách hàng theo từng phân khúc.
Với những đóng góp xây dựng, phát triển ASL nói riêng và ngành logistics nói chung, cuối năm 2022, anh Võ Tấn Tình vinh dự được trao tặng danh hiệu “Doanh nhân trẻ tiêu biểu năm 2022”. Đây là giải thưởng do Thành Đoàn – Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức nhằm tôn vinh các doanh nhân trẻ xuất sắc, doanh nhân trẻ tiêu biểu trong các lĩnh vực, đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
“Đầu tư cho công nghệ 4.0 là yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Bởi nếu không thay đổi, doanh nghiệp sẽ mất lợi thế cạnh tranh và không theo kịp thời đại số”, anh Võ Tấn Tình đúc kết.
Theo Đầu tư
https://baodautu.vn/doanh-nhan-vo-tan-tinh-muon-tang-toc-phai-chuyen-doi-so-d195573.html
Tin mới hơn ...
- Người Mỹ bung tiền mua nông sản Việt, có mặt hàng thu thêm cả tỷ USD 21/08/2024
- Vĩnh Long mời gọi đầu tư 20 dự án, vốn hơn 30 ngàn tỷ đồng 21/08/2024
- Đồng Nai quyết gỡ vướng Khu đô thị phía Tây cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu 21/08/2024
- Thêm 2 cao tốc được kiến nghị bổ sung vào quy hoạch mạng lưới đường bộ toàn quốc 21/08/2024
- Đồng Nai: Dự án điện rác 2 năm chưa xong báo cáo nghiên cứu khả thi 21/08/2024
There are no comments yet