Kêu gọi bảo vệ người lao động vì nắng nóng



VNBTIMESKhí hậu đang ngày càng nóng hơn nhưng nhiều quốc gia, đặc biệt ở châu Âu vẫn chưa chú ý đến vấn đề điều kiện làm việc của người lao động.

Cái chết của công nhân vệ sinh đường phố José Antonio Gonzalez, 60 tuổi, ở Madrid, Tây Ban Nha hồi tháng 7/2022 khi đang quét đường dưới trời nắng nóng đã khiến quốc gia này chấn động.

Bác sĩ cho biết nhiệt độ cơ thể của ông lên tới gần 42 độ. Con trai ông nói cha mình đã làm hết sức mình với hy vọng được gia hạn hợp đồng làm việc. Sau khi ông qua đời, công đoàn thành phố và ba nhà thầu dịch vụ đô thị Madrid đã ký thỏa thuận đình chỉ việc quét đường vào buổi chiều khi nhiệt độ trung bình trên 39 độ. Ngoài ra, họ phải cấp kem chống nắng và mũ cho 7.000 người lao động.

Năm nay, nắng nóng tiếp diễn đồng nghĩa với hàng triệu người phải vật lộn mưu sinh dưới điều kiện khắc nghiệt. Văn phòng Khí tượng Anh dự báo mùa hè nước này sẽ tăng thêm từ 1 đến 6 độ và khô hơn 60% vào năm 2070.

Báo cáo gần đây của Viện Kỹ thuật cơ khí Anh (IMechE) phác họa các kịch bản mà người lao động gặp phải khi nhiệt độ tăng. Nếu nơi làm việc không đạt điều kiện tiêu chuẩn về nhiệt độ, tinh thần, năng suất, sức khỏe và an toàn của người lao động có thể xấu đi. Nguy cơ tai nạn cũng gia tăng vì nhận thức của mọi người không sắc bén như bình thường. Sau cùng, nắng nóng làm mất năng suất lao động, ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia và thế giới.

Năm 2019, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) dự báo kinh tế toàn cầu thiệt hại 2.400 tỷ USD vì stress nhiệt, nhất là tại các nước thu nhập thấp và trung bình. ILO định nghĩa stress nhiệt là nền nhiệt cao hơn mức cơ thể chịu đựng được mà không gây ảnh hưởng xấu đến sinh lý. Xây dựng và nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng hơn cả.

Theo Tim Fox, tác giả chính báo cáo của IMechE, các nhà máy ở châu Âu không được thiết kế để chống chọi với nhiệt độ cực đoan. Máy móc sinh ra nhiều nhiệt, rất khó để tự làm mát. Thêm nữa, các tòa nhà văn phòng ở những nước ôn đới như Anh cũng không lắp nhiều điều hòa nhiệt độ.

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Lao động và Kinh tế xã hội Tây Ban Nha Yolanda Díaz cho biết sẽ cấm làm một số công việc nhất định vào ban ngày khi Cơ quan Khí tượng nhà nước phát báo động đỏ hoặc cam (dựa trên nền nhiệt trong ngày).

Cuối tháng 6, Bahrain cũng ban hành lệnh cấm làm việc ngoài trời từ giữa trưa đến 4 giờ chiều trong hai tháng 7 và 8. Theo Bộ Lao động nước này, biện pháp nhằm bảo vệ người lao động khỏi stress nhiệt, say nắng và các bệnh mùa hè khác, giảm nguy cơ tai nạn trong những tháng nóng nhất năm. Bộ còn tiến hành chiến dịch nâng cao nhận thức, kêu gọi người dân chấp hành quy định thông qua phát tờ rơi đa ngôn ngữ, quảng cáo và bài viết hướng dẫn.

Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) áp dụng biện pháp tương tự, cấm làm việc ngoài trời từ 12h đến 15h từ ngày 15/6 đến 15/9. Đây là năm thứ 19 liên tiếp UAE cấm làm việc giữa trưa mùa hè. Trong thời gian nghỉ giải lao, người sử dụng lao động phải đảm bảo có chỗ nghỉ râm mát hoặc trong nhà. Thời gian làm việc cũng không nên quá 8 tiếng mỗi ngày, áp dụng với cả ca sáng, chiều hoặc luân phiên.

Một số trường hợp ngoại lệ bao gồm rải nhựa đường, đổ bê tông, công trình ảnh hưởng đến cộng đồng. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng buộc phải cung cấp đủ nước lạnh, thực phẩm hydrat hóa được chính quyền địa phương phê duyệt, đồ sơ cứu tại chỗ. Ngoài ra, còn cần máy làm mát công nghiệp, ô che nắng và bóng râm.

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/keu-goi-bao-ve-nguoi-lao-dong-vi-nang-nong-4626255.html

There are no comments yet

Tin mới hơn ...