Vì sao du khách Mỹ đi đâu cũng được săn đón?



VNBTIMESJustin Albertynas, chuyên gia du lịch làm việc ở Litva, nói hầu hết doanh nghiệp châu Âu luôn chào đón người Mỹ, nhất là nhóm khách từ New York hoặc Los Angeles. Từ lâu, thị trường Mỹ đã được các công ty quản lý điểm đến (DMC) “thèm muốn” vì nhiều lý do, đặc biệt […]

Justin Albertynas, chuyên gia du lịch làm việc ở Litva, nói hầu hết doanh nghiệp châu Âu luôn chào đón người Mỹ, nhất là nhóm khách từ New York hoặc Los Angeles.

Từ lâu, thị trường Mỹ đã được các công ty quản lý điểm đến (DMC) “thèm muốn” vì nhiều lý do, đặc biệt về thu nhập của họ. Mức lương trung bình của người Mỹ vào khoảng 70.000 USD mỗi năm, cao thứ 7 thế giới.

Các chuyên gia du lịch nhận xét thu nhập cao đồng nghĩa chi phí họ trả cho chuyến đi cũng cao hơn. Mặt khác, du khách Mỹ có xu hướng chi tiêu nhiều cho ăn uống, khách sạn hay các tour du lịch hơn khách châu Âu hay một số nơi khác. Người Mỹ cũng quen với văn hóa “tiền boa”, đi du lịch dài và thường dẫn theo người thân đi cùng.

Đây là những yếu tố quan trọng khi ngành du lịch đang tiếp tục phục hồi và các doanh nghiệp phải nỗ lực để bù đắp tổn thất do đại dịch gây ra. Vì thế, theo Michael Rozenblit, người sáng lập The World Was Here First – website du lịch về các điểm đến ở Mỹ và châu Âu – người Mỹ còn được “thèm muốn” nhiều hơn thế. Ông Michael nói thêm sau những năm du lịch gần vì dịch, người Mỹ bắt đầu có những quan tâm mới và các DMC đang nỗ lực để tiếp thị đến thị trường này.

Khách Mỹ là những người được ngành du lịch trên thế giới “săn đón”. Ảnh: CNN

Với cao điểm hè ở châu Âu hiện nay, dự kiến lượng khách Mỹ sẽ tăng 55% so với mùa trước. Con số này cho thấy hiệu quả của việc tiếp thị cũng như sự bùng nổ sau nhiều năm bị “kìm hãm” du lịch của người Mỹ. Sức mạnh của USD so với các loại tiền khác như euro, chính sách làm việc từ xa cũng khiến thị trường Mỹ có tiềm năng hàng đầu trong danh sách những du khách muốn du lịch thời gian tới.

Catherine Chaulet, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Global DMC Partners, một mạng lưới của các công ty quản lý điểm đến, lưu ý các thị trường khác như Bắc, Nam Mỹ như Canada, Mexico, Brazil, cũng có sức hấp dẫn đặc biệt với ngành du lịch.

“Họ có tiền và muốn đi du lịch nên chính là đối tượng được săn đón”, bà nói.

Gần đây, nhiều điểm đến đã thực hiện các chiến dịch nhắm đến đối tượng là khách Mỹ, Canada như “Come and Say G’day” của ngành du lịch Australia. Video dài 9 phút thu hút 50 triệu lượt xem là nỗ lực của Australia để thu hút khách Mỹ – thị trường quốc tế lớn thứ hai tại Australia sau Trung Quốc.

G Adventures, nhà điều hành du lịch mạo hiểm theo nhóm nhỏ có trụ sở ở Toronto (Canada) cũng nhận xét khách Mỹ là phân khúc “mạnh và phát triển nhanh nhất” trong số 5 thị trường chính của họ, bao gồm cả Canada, Anh, Đức và Australia. Steve Lima, người phụ trách thị trường Mỹ và châu Mỹ Latin của công ty, cho biết họ ngày càng dành nhiều nguồn lực, ngân sách và các chiến dịch để thu hút nhóm khách từ Mỹ.

Các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) hay những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng làm điều tương tự. Albertynas của Ratepunk nói từ khi công ty ra mắt thử nghiệm vào tháng 3/2022, họ đã phân bổ nhiều ngân sách quảng cáo và tiếp thị của mình hơn cho thị trường Bắc Mỹ.

“60% chi tiêu tiếp thị nội dung dành cho các blogger và những người có ảnh hưởng ở Mỹ và Canada. Những quyết định này đã được chứng minh là rất hiệu quả và chúng tôi đã thu được lợi nhuận lớn”, Albertynas chia sẻ.

Bên cạnh sức chi cao, cách người Mỹ khao khát sự “độc nhất” khi du lịch khiến họ càng được yêu thích. Nhiều người làm du lịch nói khách Mỹ, Canada rất quan tâm đến văn hóa, ẩm thực địa phương. Họ thích được trải nghiệm những gì độc đáo, riêng biệt.

Xu hướng làm việc từ xa và thích đưa người thân đi du lịch cùng ở Mỹ cũng được nhiều điểm đến chú ý. Những nơi định vị thương hiệu là điểm hấp dẫn cho cả hoạt động kinh doanh lẫn giải trí có thể thu được lợi nhuận lớn từ khách Mỹ.

“Những người lao động ở Mỹ có thói quen dẫn theo gia đình du lịch cùng để có thể làm việc từ xa. Điều này khiến họ ở lại điểm đến lâu hơn”, Chaulet nói.

Đường phố ở New York. Ảnh: Tripsavvy

Còn theo Peter Anderson, Giám đốc điều hành Knightbridge Circle, dịch vụ hướng dẫn khách du lịch sang trọng, người Mỹ rất biết lắng nghe lời khuyên từ chuyên gia. Điều này giúp các bên hài lòng hơn trong chuyến đi. Anderson nói một số khách châu Âu cố tình phớt lờ các tư vấn khi đặt phòng khách sạn của họ và điều này gây ra sự khó chịu giữa các bên.

Một trong những bằng chứng sống động nhất về việc du khách Mỹ được “săn đón” là ngày càng có nhiều đường bay quốc tế mới được mở đến nước này. Sau đại dịch, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không đã tăng lê và thị trường Mỹ vẫn là “miếng bánh béo bở” của các hãng hàng không.

Tháng 6 này, British Airways đã bắt đầu một tuyến bay mới từ Cincinnati (Ohio, Mỹ) đến London (Anh) – điểm đến nổi tiếng đối với du khách Mỹ, khai thác bằng Boeing 787-8 Dreamliner với 55 chuyến bay hàng tuần trong mùa hè và bốn chuyến vào mùa đông.

Turkish Airlines cùng Emirates cũng tiếp tục mở rộng đường bay tới Mỹ. Từ năm 2022, hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ đã có bốn chuyến mỗi tuần kết nối Seattle và Istanbul. Tới quý IV, họ sẽ khai thác thêm các tuyến mới kết nối Detroit, Denver. Vào tháng 4, Emirates cũng khai trương đường bay đầu tiên từ Newark (New Jersey, Mỹ) đến Dubai (UAE).

Theo Vnexpress

https://vnexpress.net/vi-sao-du-khach-my-di-dau-cung-duoc-san-don-4621699.html

There are no comments yet

Tin mới hơn ...