3 người bạn thân xây dựng startup 550 triệu USD từ những vật dụng bỏ đi



VNBTIMESỨng dụng Carousell cho phép người dùng mua và bán các sản phẩm mà họ không dùng đến thông qua việc chia sẻ ảnh và các thông tin liên quan. Carousell đang được định giá 550 triệu USD và được dự đoán sẽ trở thành kỳ lân tiếp theo tại Đông Nam Á.

Chụp một tấm ảnh, sau đó đăng tải lên mạng rồi bán những vật dụng mọi người muốn bán. Thoạt nghe, đó là một ý tưởng hết sức đơn giản. Nhưng cũng chính từ ý tưởng này, 3 người bạn chơi thân với nhau từ thời đại học đã cùng nhau xây dựng lên một công ty khởi nghiệp có giá trị hàng trăm triệu USD.

Siu Rui Quek, Marcus Tan và Lucas Ngoo là những nhà đồng sáng lập của Carousell, một nền tảng thương mại điện tử giúp kết nối trực tiếp người dùng với nhau. Công ty hiện có trụ sở tại quốc đảo Singapore. Nhiều chuyên gia nhận định rằng: Carousell có tiềm năng để trở thành kỳ lân công nghệ tiếp theo tại khu vực Đông Nam Á.

3 người bạn trên đã cùng nhau thành lập Carousell vào năm 2012, sau khi họ kết thúc kỳ thực tập cuối khóa tại thung lũng Silicon, Mỹ. Sau 7 năm, họ đã kêu gọi được sự “chung sức” từ rất nhiều các nhà đầu tư có uy tín. Công ty đang được định giá khoảng 550 triệu USD.

“Chúng tôi được truyền cảm hứng từ những nhân vật xuất chúng như Jack Dorsey (CEO của Twitter), Mark Zuckerberg (CEO của Facebook) và Drew Houston (CEO của Dropbox)”, Quek, hiện đang là CEO của Carousell, chia sẻ với CNBC Make It. Anh cho biết mình và các bạn thực sự ấn tượng với những bài thuyết trình của họ. “Một điểm tương đồng giữa 3 người trên chính là khả năng tận dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề hiện hữu và thông qua đó tạo dựng được tầm ảnh hưởng vô cùng to lớn”.

“Cách tốt nhất để chúng tôi có thể phần nào học hỏi từ sự thành công của họ đó là phải giải quyết được vấn đề của chính mình trước”, Quek bổ sung. “Chúng tôi có những vật dụng không dùng đến, và không có cách nào dễ hơn để bán chúng là thông qua chính chiếc điện thoại của mình. Do đó chúng tôi quyết định xây dựng nên ứng dụng Carosell”.

3 đồng sáng lập Carousell. Ảnh: Carousell.

Quay trở về Singapore sau kỳ thực tập, họ bắt tay ngay vào công việc hiện thực hóa ý tưởng của mình. Ban đầu, họ tập trung vào mảng giao dịch các thiết bị điện tử, rồi sau đó mở rộng sang các loại hàng hóa, dịch vụ khác như quần áo, bất động sản, xe hơi và thậm chí cả tuyển dụng nữa.

Cơ chế hoạt động của Carousell không có quá nhiều khác biệt với các nền tảng thương mại điện tử khác. Ứng dụng này cho phép người dùng mua và bán các sản phẩm mà họ không dùng đến thông qua việc chia sẻ ảnh và các thông tin liên quan.

Cách làm đó khá giống với eBay và Craigslist, những nền tảng thương mại điện tử mà Quek cho biết chính là nguồn cảm hứng cho Carousell. Tuy nhiên, ngay từ thời điểm khởi đầu, Quek cho biết bộ ba rất quyết tâm xây dựng nên một giải pháp hoạt động chủ yếu trên nền tảng điện thoại thông minh và lần đầu tiên xuất hiện tại thị trường Đông Nam Á. Họ tin rằng giao dịch qua điện thoại sẽ giúp đơn giản hóa quá trình mua bán và có gì đó “thân thuộc” hơn với người dùng tại khu vực này, nơi mà lượng tiêu thụ điện thoại cao hơn gấp nhiều lần các dòng máy tính.

“Chúng tôi rất “mê” dùng Iphone, thậm chí thời gian sử dụng điện thoại còn nhiều hơn thời gian làm việc trên tính cá nhân của mình nữa”, Quek chia sẻ. “Tôi nghĩ chúng tôi bị “nghiện” bởi sự đơn giản của các ứng dụng điển hình như Instagram. Chúng tôi muốn một tạo ra một thứ gì đó mà chúng tôi cảm thấy thân thuộc, thứ gì đó mà chúng ta có thể dễ dàng thực hiện trên trên nền tảng điện thoại ví dụ như chụp ảnh rồi bán, trao đổi rồi mua, và cuối cùng là một thứ gì đó mang tính chất cộng đồng”.

Chính cách tiếp cận đơn giản đó đã khiến ứng dụng này trở nên phổ biến. Chỉ trong vòng 3 ngày sau khi ra mắt thị trường vào tháng 8/2012, Carousell đã leo lên vị trí thứ 2 trong danh sách 3 ứng dụng đời sống có lượt tải nhiều nhất tại Singapore.

Quek cho biết chiến lược đó là nền tảng để công ty có thể thực hiện được sứ mệnh truyền cảm hứng “cho tất cả mọi người trên thế giới về hình thức mua bán trực tuyến”.

Và để hiện thực hóa được tham vọng đó, Carousell hiện tại đang tập trung phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để đẩy nhanh quá trình bán hàng của người dùng. Ví dụ, công nghệ nhận diện hình ảnh có thể tự động xác định các vật phẩm được đăng bán và phân loại chúng vào các nhóm hàng thích hợp.
Carousell cũng muốn rút ngắn thời gian hiển thị danh sách các mặt hàng từ 30 giây xuống chỉ còn 3 giây.

“Chúng tôi đang làm nhiều công việc liên quan đến AI”, Quek cho biết. “Chúng tôi muốn việc bán hàng trở nên đơn giản hơn, nếu như bạn đã chụp xong một bức ảnh rồi, ứng dụng sẽ tự động gợi ý về nhóm hàng, tiêu đề cũng như mức giá hợp lý của vật phẩm đó”.

Startup này được dự đoán thành kỳ lân tiếp theo của Đông Nam Á. Ảnh: Carousell.

Việc chú trọng phát triển công nghệ chính là điểm nhấn giúp Carousell thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Sau khi nhận được khoản tiền 35.000 USD do trường đại học hỗ trợ các dự án khởi nghiệp vào năm 2012, Carosell đã thu về số tiền đầu tư hơn 700.000 USD từ những cái tên tuổi như Rakuten, Golden Gate Ventures và 500 Startups.

“Bản thân tôi thấy Carousell là một công ty thiên về trí tuệ nhân tạo nhiều hơn là một nền tảng thương mại điện tử tại Singapore”, Vinnie Lauria, phụ trách quản lý quan hệ đối tác tại Golden Gate Ventures, người đã quyết định đầu tư vào vào Carousell, chia sẻ với CNBC Make It. “Họ có một đội ngũ rất mạnh làm việc về machine learning (một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo liên quan đến việc nghiên cứu và xây dựng các kĩ thuật cho phép các hệ thống “học” tự động từ dữ liệu để giải quyết những vấn đề cụ thể)”.

Hiện tại, Carousell đang hoạt động tại 7 thị trường khác nhau bao gồm Singapore, Indonesia, Australia, Hong Kong, Malaysia, Philipines và Đài Loan. Ứng dụng đã thu hút hơn 250 triệu đơn hàng và 71 triệu giao dịch thành công. Trong lần gọi vốn gần nhất, OLX Group đã quyết định đầu tư 56 triệu USD vào Carosell, đẩy giá trị của công ty lên mốc 550 triệu USD.

Các chuyên gia phân tích cho biết Carousell hoàn toàn có thể trở thành một doanh nghiệp kỳ lân trong tương lai với giá trị doanh nghiệp chạm ngưỡng 1 tỷ USD, và nâng số lượng các doanh nghiệp kỳ lân tại khu vực Đông Nam Á lên con số 11.

Tuy nhiên Quek mong các nhà đầu tư không nên chạy đua theo danh hiệu. Thay vào đó, họ sẽ tập trung phát triển công ty thông qua việc gia tăng nguồn thu từ quảng cáo, bán những gói trải nghiệm khách hàng cao cấp, và thu phí dịch vụ đăng ký, với trọng tâm đổ dồn về 2 thị trường chính là Singapore và Hong Kong. Năm ngoái, doanh thu của Carousell gấp 4 lần so với năm 2017, trong khi lỗ lũy kế cũng được cắt giảm.

“Chúng tôi không theo đuổi mục tiêu danh hiệu công ty kỳ lân hoặc giá trị doanh nghiệp”, Quek cho biết. “Điều chúng tôi quan tâm là làm sao có thể phục vụ được cộng đồng tốt nhất. Nếu bạn làm điều đó một cách xuất sắc, tôi nghĩ việc giá trị thương hiệu cao hoặc danh hiệu kỳ lân chắc chắn sẽ đến với bạn thôi”.

Trong năm 2018, bộ ba đã từ chối khoản tiền 100 triệu USD nhằm mua lại Carousell. Họ quyết tâm tạo dựng nên một doanh nghiệp thành công của riêng mình. Nhưng theo Quek, họ còn một chặng đường khá dài phía trước.

“Tôi liên tục nói với những cộng sự của mình rằng tất cả những gì chúng ta đã làm chỉ tương đương với 1% kế hoạch thôi”, Quek chia sẻ khi nói về đội ngũ 400 thành viên của công ty.

“Trong 5 đến 10 năm nữa, chúng tôi sẽ phát triển Carosell để có thể định hình nên một phong cách sống mới, ở đó các mặt hàng qua sử dụng sẽ trở thành sự lựa chọn số một của rất nhiều người”, anh chia sẻ. “Điều đó nghe hợp lý đấy chứ. Bạn có thể bảo vệ được trái đất. Bạn kiếm ra tiền. Bạn tạo ra cơ hội cho nhiều người khác. Chẳng phải đó là một thành công trên nhiều phương diện hay sao?”.

Theo Trọng Đại/NDH

There are no comments yet

Tin mới hơn ...